Học Truyện Kiều tại “Vườn Kiều”

line

Ngày 4-2, gần 50 sinh viên lớp Ngữ văn K2013, Khoa Xã hội và nhân văn, Trường Đại học Văn Hiến (TP.HCM) đã đến “Vườn Kiều” của ông Phạm Bá Khoát (phường Bình Đa, TP. Biên Hòa) để tham gia buổi học ngoại khóa môn Văn học trung đại Việt Nam.Ðây thực sự là một buổi học lý thú và bổ ích. Buổi học không chỉ giúp sinh viên tiếp nhận, “thẩm thấu” các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam một cách dễ dàng hơn mà các sinh viên còn được truyền cảm hứng về tình yêu đối với tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du từ vị chủ nhân của khu “Vườn Kiều”.

Lớp học “có một không hai”

Nhiều năm nay, “Vườn Kiều” của ông Phạm Bá Khoát (phường Bình Ða, TP. Biên Hòa) đã trở thành điểm đến của những người say mê Truyện Kiều, các nhà Kiều học và đông đảo học sinh, sinh viên đến từ các tỉnh, thành phố lân cận với tỉnh Ðồng Nai. Hầu hết mọi người đến “Vườn Kiều” để được đắm mình trong không gian Truyện Kiều, được nghe chủ nhân của “Vườn Kiều” kể về tình yêu của ông dành cho “nàng Kiều” của Nguyễn Du. Ðặc biệt, đối với học sinh, sinh viên, đây là cơ hội để họ được truyền cảm hứng về tình yêu Truyện Kiều. Ðiều này rất có ích cho thế hệ trẻ ngày nay trong việc học và tiếp nhận Truyện Kiều.

trang10_060215_1Sinh viên chăm chú lắng nghe ông Phạm Bá Khoát nói về Truyện Kiều

“Vườn Kiều” là một khu vườn rộng chừng 3.000m2 do ông Phạm Bá Khoát tự thiết kế. Ông Khoát cho biết, khu vườn này được bắt đầu xây dựng từ năm 1996 và hoàn thành vào năm 2007. Những năm sau đó, ông đã không ngừng trùng tu, nâng cấp lại khu vườn. Ngay trong khu vườn, ông Khoát cho xây dựng nhà tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du. Ðể có được bức tượng đại thi hào của dân tộc, ông đã phải cất công ra tận quê hương của Nguyễn Du lấy mẫu tượng về tạc lại làm tượng thờ.

Bên trong khu vườn, ông đặt các bức tượng mô phỏng các nhân vật trong Truyện Kiều và gần 80 câu thơ, mỗi câu đều được minh họa bằng chính những cây cối hay bức tượng trong vườn. Ngoài tượng thờ đại thi hào Nguyễn Du, khu vườn còn có tượng của bà Trần Thị Tần (thân mẫu nhà thơ Nguyễn Du), những bức tượng sinh động về các nhân vật như Kim Trọng cưỡi ngựa qua cầu, chị em Thúy Kiều e lệ dưới hoa…Hiện nay, cả khu vườn có hơn 100 tượng động vật, giống cây được nhắc đến trong Truyện Kiều. Ông Khoát cũng đầu tư làm các công trình được nhắc đến trong Truyện Kiều như: núi giả sơn, Quan Âm các, Lầu Ngưng Bích… Trong đó, Lầu Ngưng Bích được xây dựng theo phong cách cổ nằm giữa hồ sen liễu rũ, là nơi ông đón tiếp, đàm đạo với bạn hữu về Truyện Kiều. Ngoài ra, ông còn cho người điêu khắc nhiều bức phù điêu miêu tả tóm tắt Truyện Kiều, được chú thích bằng những câu Kiều đặc sắc nhất.

Buổi học sinh động

Có mặt tại “vườn Kiều” vào lúc 8 giờ sáng, các sinh viên được chủ nhân của “Vườn Kiều” giới thiệu đôi nét về đại thi hào Nguyễn Du. Sau đó, lần lượt từng sinh viên nghiêm trang thắp hương tưởng nhớ nhà thơ. Khi “nghi lễ” kết thúc, ông Khoát dẫn các sinh viên đi tham quan một vòng quanh “vườn Kiều”.

trang10_060215_2Sinh viên dâng hương đại thi hào Nguyễn Du

Trước mỗi bức tượng, mỗi loài hoa, cây cỏ… đều có những câu thơ Kiều dùng để minh họa. Ðọc xong mỗi câu thơ, ông không quên giảng giải kỹ càng về những sự kiện liên quan. Ngoài ra, một số điển cố, điển tích trong Truyện Kiều cũng được người “hướng dẫn viên” đặc biệt này chú thích. Bên cạnh đó, một số giai thoại, vấn đề trong Truyện Kiều đang còn tranh cãi cũng được ông nêu ra.Buổi tham quan kết thúc tại Lầu Ngưng Bích. Tại đây, ông đã trao tặng cho sinh viên một số tài liệu, giáo án về Truyện Kiều. Ðây là những giáo án, bài nghiên cứu của một số nhà Kiều học gửi về cho ông. Trong đó, theo ông Khoát, người thường xuyên gửi giáo án về cho ông chính là PGS.TS. Lê Thu Yến, Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Trọng tâm của buổi học ngoại khóa này là phần kịch hóa tác phẩm văn học. Các sinh viên đã kịch hóa các tác phẩm: “Chuyện người con gái Nam Xương” (trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ), trích đoạn: “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” trong tác phẩm Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Ðình Chiểu, và hai trích đoạn: “Kiều hầu rượu vợ chồng Hoạn Thư”, “Kim, Kiều đoàn viên” trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Thời lượng của mỗi tiết mục kịch hóa chỉ khoảng 5 phút nhưng các “diễn viên” đã lột tả được những nội dung chính yếu của tác phẩm. Không dừng lại ở đó, những phần diễn xuất xuất thần đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Hóa thân vào nhân vật để cảm nhận sâu sắc

Ðóng vai nàng Kiều “mười phân vẹn mười” trong trích đoạn “Kiều hầu rượu vợ chồng Hoạn Thư” không phải là một nữ sinh duyên dáng, dịu dàng mà là một nam sinh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chàng trai trong vai giả gái này không hề đem lại tiếng cười nào cho người xem mà lại lấy đi của họ những giọt nước mắt.

Bất ngờ, ê chề khi phải hầu rượu vợ chồng của người tình, nàng Kiều bối rối làm đổ rượu, vội vã quỳ lạy, van xin Hoạn Thư tha thứ. Nước mắt Kiều tuôn rơi, cùng lúc ấy, rất nhiều bạn trẻ đã quay đi, len lén lau vội nước mắt. Khi vợ chồng Hoạn Thư đã lui vào tư phòng nghỉ ngơi, một mình Kiều ngồi lại trong căn phòng với nỗi buồn tủi vô hạn, “nàng” Kiều ngồi khóc thương cho số phận của chính mình. Cảm xúc ấy đã lan tỏa đến toàn bộ khán giả, chạm đến trái tim của mọi người, khiến cho cả hội trường rưng rưng.

Bạn Trần Minh Dự, người hóa thân thành nàng Kiều cho biết: “Sau khi đóng vai Kiều trong trích đoạn “Kiều hầu rượu vợ chồng Hoạn Thư” em mới hiểu được tâm trạng của Kiều lúc đó và cảm nhận được những cảm giác đau đớn, ê chề, tủi nhục mà Kiều phải chịu đựng. Ðó thực sự là một sự tổn thương rất lớn, một hình phạt tinh thần mà chỉ có người ghen “cao tay” như Hoạn Thư mới có thể làm được. Em cam đoan rằng sau buổi học ngày hôm nay, nếu cho em phân tích về hình tượng nhân vật Kiều thì em sẽ có đực bài viết sâu sắc hơn, hay hơn so với trước đây rất nhiều”.

Thạc sĩ Trương Thị Thúy Hằng, giảng viên Trường đại học Văn Hiến cho biết: “Chúng tôi tổ chức buổi học ngoại khóa này nhằm làm tăng hứng thú cho sinh viên, giúp thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận gần hơn, yêu thích và hiểu biết về văn học cổ của Việt Nam nói chung và văn học trung đại Việt Nam nói riêng. Tôi cho rằng, giáo viên bộ môn Văn ở trường THPT cũng có thể tổ chức cho học sinh học theo hình thức này. Tuy nhiên, việc viết kịch bản, dàn dựng chương trình có thể hơi quá tầm đối với học sinh THPT. Vì vậy, giáo viên bộ môn có thể kết hợp tổ chức cùng với hoạt động của sinh viên chuyên ngành. Cá nhân tôi sẵn sàng “hợp tác” tổ chức chương trình học ngoại khóa của sinh viên với học sinh các trường THPT. Như vậy, mỗi buổi học ngoại khóa, học sinh trường THPT chỉ cần tham gia một tiết mục, phần còn lại sẽ do sinh viên chuyên ngành phụ trách”.

Theo Báo Lao động Đồng Nai.
Góp ý